ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

VNU-National Defense and SecurityTraining Center

Đại tá Vũ Văn Thân: GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY Ở TRUNG TÂM GIÁO QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN) là một nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. GDQP-AN đã trở thành một nội dung quan trọng để công dân phát huy trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 19/6/2013, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành “Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh”, Điều 4 của Luật GDQP-AN xác định mục tiêu: “Giáo dục cho công dân kiến thức về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, khẳng định cơ sở pháp lý, tầm quan trọng, xác định rõ vị trí, tính chất của công tác GDQP-AN thuộc nội dung của nền giáo dục quốc gia, là vấn đề cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đào tạo con người mới XHCN đồng thời cũng quy định GDQP-AN là môn học chính khoá trong các cơ sở giáo dục đào tạo.
03:03 29/03/2019

Để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nói chung, GDQP&AN nói riêng trong tình hình mới, cách đây 15 năm, ngày 02 tháng 3 năm 2004 Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định thành lập Trung tâm GDQP&AN. Có thể khẳng định rằng, việc thành lập Trung tâm GDQP&AN, tổ chức quản lý, rèn luyện, giảng dạy theo mô hình tập trung (từ năm 2015) là một quyết định sáng suốt, đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn và mang tính chiến lược. Công tác giáo dục QP và AN của Trung tâm 15 năm qua đã có quá trình phát triển vững chắc, cả bề rộng và chiều sâu, chất lượng ngày càng cao. Đó là sự phát triển toàn diện về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, sĩ quan biệt phái gắn với không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác GDQP- AN, qua 15 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong hơn 4 năm thực hiện mô hình đào tạo tập trung cho 32 khóa học tại Hòa Lạc, Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy cho hàng vạn lượt sinh viên đạt chất lượng chuẩn đầu ra của môn học; phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, viên chức thuộc các đối tượng 3, 4 trong ĐHQGHN; đồng thời làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo ĐHQGHN chỉ đạo thực hiện tốt công tác QP-AN trên địa bàn. Trung tâm luôn kết hợp chặt chẽ việc nâng cao chất lượng giảng dạy với nghiên cứu khoa học; thực hiện có hiệu quả các phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN phát động; trong bất kỳ hoàn cảnh nào Trung tâm cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Trung tâm vững mạnh toàn diện.

Trong những năm tới, Trung tâm có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy là một khâu quan trọng của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp sẽ thiết thực nâng cao chất lượng GDQP-AN, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời, để triển khai có hiệu quả “Kế hoạch thực hiện đổi mới hoạt động giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, từ kết quả và những bài học kinh nghiệm bước đầu, Trung tâm cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Tích cực, chủ động, sáng tạo xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy giai đoạn 2019-2025; chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy GDQP-AN, gắn với công tác tổ chức quản lý môn học và nghiên cứu khoa học.

Giáo dục QP-AN là nội dung quan trọng, môn học có tính đặc thù cao. Vì vậy khâu đột phá là đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng: “Sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức, hấp dẫn về thực tiễn, đa dạng về phương pháp, hiện đại về phương tiện”, phát huy tối đa tính tích cực, đổi mới, sáng tạo trong quá trình dạy-học, bám sát đề cương môn học, bảo đảm đúng về nội dung, chương trình, quy định, qui chế, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu môn học theo chuẩn đầu ra của ĐHQG Hà Nội. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải phù hợp với các đối tượng học và trình độ đào tạo, mỗi chương trình có nội dung và mục tiêu riêng với khối lượng kiến thức phù hợp, đảm bảo tính liên thông không trùng lặp.

Nội dung giảng dạy phải phù hợp với sự phát triển của khoa học và Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tình hình mới. Thường xuyên bổ sung, cập nhật kịp thời những nội dung mới liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình hiện nay. Thống nhất về những phương pháp giảng dạy, chú trọng tính đặc thù dạy kĩ năng quân sự cho học sinh, sinh viên. Giảm bớt thời gian dạy lý thuyết tăng thời gian thực hành, thảo luận, nghiên cứu, tự học; chú trọng hơn đến hoạt động học của người học, tăng cường các buổi thông tin tình hình chính trị - thời sự, thông tin khoa học quân sự, xem phim lịch sử, truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng, tham quan, thực tế đơn vị quân đội cho học sinh, sinh viên. Các bài giảng bảo đảm cho người học dễ nhớ, dễ hiểu, có tính liên hệ thực tiễn sâu sắc, giúp người học nắm chắc kỹ năng, kỹ xảo quân sự. Như vậy, nếu có phương pháp giảng dạy tốt sẽ tạo hứng thú cho người học, không chỉ trang bị cho người học về kiến thức QP-AN mà còn xây dựng động cơ hướng nghiệp vào quân đội và công an cho người học (THPT), xây dựng niềm tin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới phương pháp giảng dạy làm cho các nội dung bài giảng không những sát với thực tiễn nhiệm vụ QP và AN trong thời bình, không xa rời thực tế mà còn góp phần truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, xây dựng bản lĩnh, niềm tin cho người học.

 Phát huy tính tích cực chủ động gắn với nâng cao năng lực của người học. Xóa bỏ cách truyền thụ một chiều, phương pháp giảng bài thụ động, tăng tính tương tác trao đổi trong giờ học, khuyến khích người học nêu câu hỏi, tổ chức trao đổi, thảo luận theo nhóm, tích cực nêu vấn đề trái chiều cùng tranh luận và kết luận theo phương án đúng. Đối với các nội dung thực hành, như: điều lệnh, kỹ thuật, chiến thuật, thuốc nổ, bắn súng… là những nội dung đặc thù có yêu cầu cao về thực hành kỹ năng các động tác kỹ, chiến thuật nên kết hợp giữa phương pháp làm mẫu của người dạy với rèn luyện động tác của từng cá nhân, tổ, nhóm, phát huy tư duy độc lập, tự nghiên cứu. Tổ chức hội thi, hội thao đánh giá chất lượng thực hành của HS, SV nhằm phát huy năng lực tiếp thu kiến thức của người học. Đổi mới phương pháp thi và kiểm tra trắc nghiệm, tổ chức thi vấn đáp.

Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy cần nâng cao chất lượng công tác quản lý môn học, đề xuất điều chỉnh nội dung, chương trình GDQP-AN cho phù hợp với các đối tượng. Ở từng đối tượng phải cân đối phù hợp giữa lý thuyết với thực hành, chẳng hạn đối tượng THPT tổ chức học có trọng tâm, trọng điểm các nội dung, đối với sinh viên phải tăng tính thực tiễn trong giảng dạy, định hướng cho sinh viên rút ra phương pháp luận sau mỗi bài học. Kết hợp học tập chính khóa với ngoại khóa, gắn quá trình đào tạo với tự đào tạo. Tuy nhiên, việc đổi mới chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp phải chú ý dựa trên cơ sở bảo đảm đủ nội dung, chương trình và thời gian học tập theo quy định.

Hai là: Tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và đa phương tiện vào giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng thực hành là chính.

Để nâng cao chất lượng GDQP-AN, hiện nay phải quan tâm đầu tư, coi trọng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy; khai thác tốt các trang thông tin điện tử phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua thiết kế, bố cục bài giảng, các phim ảnh tư liệu, sơ đồ, đồ họa... làm cho các bài giảng phong phú hấp dẫn, tránh được sự khô cứng, nhàm chán vốn có của các bài giảng về QP-AN. Mọi giảng viên phải ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào biên soạn bài giảng điện tử và thực hành giảng dạy. Định kỳ các Khoa tổ chức bồi dưỡng phương pháp giảng bài nâng cao, trình chiếu các bài giảng điện tử mẫu với các hình ảnh cập nhật bảo đảm minh họa sát nội dung, thống nhất về kiểu chữ, màu sắc phù hợp, đẹp về hình ảnh, mang tính thời sự, chọn các ví dụ điển hình đúng đường lối của Đảng, sát bài học, phù hợp với đối tượng học.

Môn học GDQP-AN là môn học chính như các môn học khác trong hệ thống giáo dục đào tạo. Vì vậy, phải huy động nhiều nguồn lực, trước hết là sự đầu tư của cơ quan chức năng để bảo đảm trang bị, phương tiện, tăng cường thiết bị dạy học theo yêu cầu chương trình GDQP-AN, trên cơ sở đó để đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập. Trong học tập thì thực hành kĩ năng quân sự đối với học sinh, sinh viên là rất quan trọng, do đó phải thường xuyên bảo đảm đủ mô hình, học liệu, vũ khí trang bị, phòng học chuyên dùng, trang phục thống nhất khi học môn học GDQP-AN; tăng tính trực quan sinh động, không để tình trạng “dạy chay- học chay”.

Ba là, xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên GDQP-AN.

Xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên GDQP-AN là nội dung, biện pháp quan trọng trong thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, trực tiếp đáp ứng yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên cả trước mắt và lâu dài... Xây dựng, phát triển giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh là xây dựng những người thầy giảng dạy về lĩnh vực quan trọng, tính đặc thù cao. Do đó, cần coi trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên, sĩ quan biệt phái bảo đảm về số lượng và có chất lượng cao. Phấn đấu 100% cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học và lý luận cao cấp, giảng viên đều giảng dạy được cho các đối tượng, giảng dạy được cả các môn chính trị và quân sự; phát huy tốt vai trò của sĩ quan biệt phái trong giảng dạy, huấn luyện và quản lý.

Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên của Trung tâm đáp ứng tốt các phương diện: Trách nhiệm; kiến thức; kỹ năng dạy học; tổ chức quản lý và hoạt động thực tiễn. Mời những giảng viên sỹ quan biệt phái nghỉ hưu, chuyển công tác tham gia giảng dạy nhằm truyền thụ bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng quân sự cho HS, SV.

Đổi mới hoạt động giảng dạy ở Trung tâm GDQP&AN, ĐHQG Hà Nội là yêu cầu có tính cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải triển khai một cách tổng thể và hệ thống để thích ứng với xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những trước hết phải đổi mới phương pháp giảng dạy về Quốc phòng và An ninh.

Sắp diễn ra

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

VNU-National Defense and SecurityTraining Center

Địa chỉ: Thôn 3, xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Điện thoại: (84) 024 3558 9544
Website: qpan.vnu.edu.vn
Motor de cautare pentru boli