Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trung tâm), với vai trò là một đơn vị đào tạo môn chung (môn GDQP&AN) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), trong 02 năm qua đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị cũng như người học; đặc biệt trong năm 2020 và năm 2021 có 02 lần được trưng dụng làm khu cách ly tập trung cho hàng nghìn nhân dân trong nước và nước ngoài về cách ly. Môn học GDQP&AN có tính đặc thù, người học phải học tập, sinh hoạt, rèn luyện tập trung tại Trung tâm như mô hình doanh trại quân đội. Do đó, mỗi lần dịch bệnh Covid-19 bùng phát là những lần Trung tâm phải phối hợp với các trường liên kết đào tạo để dãn hoặc hoãn việc học tập tập trung, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo - một thách thức lớn đặt ra đối với Trung tâm và các trường liên kết đào tạo trong việc giảng dạy môn học GDQP&AN cho sinh viên trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua.
Trong ĐHQGHN, hoạt động giảng dạy trực tuyến đã được triển khai từ nhiều năm nay, đạt hiệu quả cao và trở thành xu hướng ngày càng đồng bộ và bảo đảm chất lượng. Thực hiện chỉ đạo của ĐHQGHN về giảng dạy trực tuyến, đồng thời để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nêu cao tinh thần “Chủ động, sáng tạo để chiến thắng dịch Covid-19 - Sinh viên tạm dừng đến Trung tâm nhưng không dừng học GDQP&AN”, Đảng ủy và Ban Giám đốc Trung tâm đã đề ra các chủ trương, giải pháp, hạ quyết tâm chính trị: Tổ chức dạy và học bằng hình thức trực tuyến (online) - hình thức mới mẻ, chưa có tiền lệ đối với hoạt động giảng dạy của Trung tâm, nhất là các nội dung về quân sự, quốc phòng, an ninh; các bài thực hành mang tính đặc thù của Quân đội.
TS. Nguyễn Đức Đăng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ giảng dạy trực tuyến và tập huấn về sử dụng các nền tảng ứng dụng giảng dạy trực tuyến.
Để thực hiện một nhiệm vụ vừa mới, vừa khó như trên, Trung tâm đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xác định việc triển khai dạy - học trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, vừa học hỏi, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm đến đâu hiệu quả đến đó. Được sự cho phép của Hội đồng GDQP&AN Trung ương; Vụ GDQP&AN, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN về kế hoạch cũng như các nội dung giảng dạy trực tuyến, Đảng ủy và Ban Giám đốc Trung tâm đã kịp thời chỉ đạo, xây dựng và thống nhất triển khai Kế hoạch tổ chức giảng dạy trực tuyến môn học GDQP&AN, theo đó, trong năm 2021 tổ chức giảng dạy trực tuyến phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không bị gián đoạn lịch trình đào tạo của Trung tâm trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Triển khai giảng dạy một số nội dung trong phạm vi cho phép để giải quyết một phần tiến độ chương trình môn học đã xây dựng với các đơn vị liên kết đào tạo. Đồng thời, thông qua giảng dạy trực tuyến để tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý khung nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống các phần mềm giảng dạy, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy; giải quyết một số nội dung theo yêu cầu, nhiệm vụ đáp ứng thực tiễn đặt ra, vừa giải quyết nhiệm vụ trước mắt và chủ động, không lúng túng bị động, có sẵn kịch bản đáp ứng với diễn biến lâu dài của dịch bệnh Covid-19.
Trung tâm đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Tổ hỗ trợ, Tổ nội dung, bộ phận bảo đảm để thường trực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ dạy - học trực tuyến này. Đồng thời tổ chức biên chế các đại đội sinh viên do giảng viên trực tiếp làm đại đội trưởng; xây dựng kế hoạch giảng dạy, lịch giảng dạy và điều hành theo kế hoạch đã xác định; lập phòng học online, chuẩn bị đề thi, đáp án và triển khai thực hiện phương án tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập online; ban hành Quy định dạy - học trực tuyến môn học GDQP&AN của Trung tâm, trong đó nêu rõ quyền, trách nhiệm của giảng viên, sinh viên, các bên có liên quan và được phổ biến quán triệt sâu rộng cho các đối tượng.
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, viên chức Trung tâm dự lớp tập huấn về sử dụng các nền tảng ứng dụng giảng dạy trực tuyến
Để trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý, giám sát lớp học, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐHQGHN tổ chức đợt tập huấn cho 100% cán bộ, giảng viên, viên chức của Trung tâm sử dụng các hệ thống phần mềm Microsoft Teams, E-learning (LMS), Google Meet và các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin khác trong giảng dạy trực tuyến để đáp ứng nhanh các yêu cầu đang đặt ra. Đặt biệt, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy cho biết, Trung tâm là đơn vị “tiên phong” đầu tiên trong ĐHQGHN tổ chức triển khai giảng dạy trực tuyến trên hệ thống phần mềm LMS của ĐHQGHN.
Trên cơ sở đợt tập huấn này, Trung tâm đã chủ động tổ chức tập huấn chuyên sâu cho Tổ hỗ trợ kỹ thuật, Tổ giám sát làm nòng cốt trong giảng dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo và giảng viên, viên chức Trung tâm đã chủ động, tích cực nghiên cứu sử dụng các ứng dụng khác nhau như Kahoot, Padlet, Quizzz, Google Forms, Google Classroom… để tạo lớp học trực tuyến, trao đổi, thảo luận, đăng tải tài liệu, ra bài tập, chấm điểm... nhằm nâng cao tính tương tác và hiệu quả, tạo được hứng thú cho người học. Để thực hiện hiệu quả hoạt động dạy - học trực tuyến trước mắt và lâu dài, Trung tâm đã có phương án từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị thêm phương tiện dạy - học cho cơ quan chuyên môn, khoa đào tạo và giảng viên.
TS. Nguyễn Đức Đăng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm và Đại tá, ThS. Dương Văn Chiến Phó Giám đốc Trung tâm dự thông qua bài giảng của Khoa Chính trị bằng hình thức trực tuyến.
Rất nhiều công việc phải triển khai đồng bộ cùng một lúc, nhưng không thể không nói đến công sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự tận tụy với công việc trước nhiệm vụ mới không kém phần vất vả, gian chuân của Phòng Đào tạo và Quản lý người học; đội ngũ giảng viên ở các khoa đào tạo, trong đó Khoa Chính trị được giao “Tiên phong” giảng dạy trực tuyến tất cả các học phần. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban tổ chức, các khoa đảm bảo đúng, đủ nội dung của bài giảng. Áp dụng những giải pháp tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy trực tuyến; tranh thủ tối đa thời gian để thường xuyên trao đổi về chuyên môn và phương pháp thiết kế bài giảng gắn với kịch bản giảng dạy online. Chủ động học hỏi lẫn nhau, tích cực nghiên cứu nắm chắc và làm chủ các nền tảng ứng dụng giảng dạy. Dành nhiều thời gian và tâm huyết chuẩn bị bài giảng, kế hoạch giảng bài, bồi dưỡng chuyên môn chu đáo, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trực tuyến. Lựa chọn, phân công giảng viên chuẩn bị nội dung, thực hành thông qua giảng thử, rút kinh nghiệm và tổ chức các bộ phận có liên quan tham gia buổi giảng mẫu, qua đó từng người ở các cương vị được phân công đều nắm chắc công việc của mình và kỹ năng thực hiện.
Hình ảnh một buổi thông qua bài giảng lý thuyết của Khoa Quân sự.
Đặc biệt các khoa đào tạo rất coi trọng việc xây dựng các bài giảng điện tử về nội dung, hình thức, thời lượng theo quy trình thẩm định, thông qua chặt chẽ, không để tự phát dẫn đến sự không phù hợp với hình thức đào tạo trực tuyến cũng như không bảo đảm chất lượng bài giảng theo yêu cầu chung. Các giảng viên được quy định thống nhất về lễ tiết tác phong, trang phục, rèn luyện phong cách giảng dạy thân thiện, gần gũi, truyền đạt rõ ràng, mạch lạc, tạo hứng thú và truyền cảm hứng cho người học. Hiện nay các khoa đào tạo đã thẩm định và thông qua hàng chục buổi không kể ngày nghỉ, buổi tối để kịp hoàn thành 100% các bài giảng lý thuyết đủ điều kiện giảng dạy trực tuyến. Lựa chọn giáo trình, tài liệu tham khảo, bộ câu hỏi ôn tập, nội dung thảo luận để bổ sung vào nguồn tài liệu trên các ứng dụng LMScho người học nghiên cứu trước. Để thống nhất về quy trình, nội dung, phương pháp và xử lý tình huống sư phạm cũng như tình huống trong sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giảng viên, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trước khi bước vào đợt giảng dạy trực tuyến đầu tiên.
Thượng tá, ThS. Nguyễn Thế Hậu, Chủ nhiệm Khoa Chính trị đang thực hành giảng bài trực tuyến cho sinh viên Khóa 66 (bên cạnh là Đại đội trưởng quản lý, giám sát sinh viên)
Niềm vui đã đến với toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức của Trung tâm, sau một thời gian chuẩn bị khá gấp rút, rất quyết liệt và công phu, như ý kiến của TS. Nguyễn Đức Đăng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm “Chúng ta như đang chuẩn bị cho một trận đánh”. Trong thời gian Trung tâm đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung lần thứ 2, ngày 23/6/2021 - ngày đầu tiên “ra trận”, tất cả 08 phòng học online, mỗi phòng có trên 100 kết nối đã “khai cuộc” giảng dạy cho sinh viên Khóa 66 của Học viện Quản lý Giáo dục và Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đảm bảo đúng kế hoạch, chính quy, chất lượng và hiệu quả tốt.
Qua những ngày đầu dạy - học trực tuyến, 100% sinh viên đăng ký đều có mặt học tập, Trung tâm đã nhận được phản hồi tích cực của sinh viên về nội dung, phương pháp, sự tương tác, tính chính quy, chuyên nghiệp trong công tác quản lý, điều khiển lớp học của các giảng viên, các thầy đã truyền đạt tốt nội dung bài giảng gắn với làm chủ tương đối tốt các ứng dụng giảng dạy trực tuyến.
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, việc triển khai hoạt động giảng dạy - học tập trực tuyến của Trung tâm đã góp phần bảo đảm cho hoạt động dạy học không bị gián đoạn trong mùa dịch bệnh, đa số sinh viên hài lòng với việc dạy và học trực tuyến một số nội dung lý thuyết trong môn học GDQP&AN. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số điểm tồn tại, khó khăn ở cả hai phía người học và người dạy mà Trung tâm cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục như: Còn trục trặc kỹ thuật do đường truyền internet, thời lượng một bài giảng còn dài gây căng thẳng cho cả người học và người dạy, chưa có sự thống nhất về các nền tảng dạy và học, khả năng làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin của giảng viên chưa đa dạng và còn hạn chế; giảng viên còn gặp khó khăn trong việc điểm danh quân số học tập, chức năng quản lý và giám sát của các ứng dụng còn khá sơ sài.
Đại dịch bệnh Covid-19 là một thách thức, tác động lớn đến hoạt động giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung tâm, nhưng cũng tạo ra cơ hội để Trung tâm có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nâng cao trình độ ứng dụng đa phương tiện vào quá trình dạy học, đồng thời cũng là phép thử về năng lực lãnh đạo, sự chung sức, đồng lòng vì nhiệm vụ chung của toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức Trung tâm. Đạt được kết quả bước đầu như trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ủy và Ban Giám đốc Trung tâm; các phòng chức năng, khoa đào tạo tham mưu, đề xuất trúng, đúng gắn với triển khai khẩn chương, đồng bộ, hiệu quả; sự vào cuộc với quyết tâm cao của tất cả cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động Trung tâm. Cộng vào đó là sự ủng hộ về chủ trương của các cơ quan cấp trên; sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị bạn trong ĐHQGHN, đặc biệt là Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục; sự đồng thuận, hưởng ứng hoạt động dạy - học online của các đơn vị liên kết đào tạo cũng như của sinh viên.
Không ai muốn dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhưng “Nếu sinh viên phải tạm dừng đến Trung tâm, cũng quyết không dừng việc dạy - học GDQP&AN”./.
Một số hình ảnh về hoạt động dạy học trực tuyến:
Bài, ảnh: Vũ Thân, Lê Phong
HS có phải mang sách bút khi lên học GDQPAN tại TT ko?
-HS có được mang valy và túi không?
-