ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

VNU-National Defense and SecurityTraining Center

Công tác đào tạo tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đến với giảng đường Đại học Quốc gia Hà Nội trong một giờ giảng môn giáo dục quốc phòng -an ninh, cứ tưởng không khí giảng đường sẽ nghiêm trang bởi tác phong quân sự hoá nhưng phòng học thi thoảng lại rộ lên tiếng cười vui vẻ. Nhiều cánh tay giơ lên. Thầy trò đang sôi nổi thảo luận về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam… Để sinh viên không còn sợ môn học “khó, khô, khổ” này và có sự hào hứng đó, những người thầy mang quân hàm nơi đây đã miệt mài đổi mới suốt 10 năm.
11:02 28/02/2014

Đến với giảng đường Đại học Quốc gia Hà Nội trong một giờ giảng môn giáo dục quốc phòng -an ninh, cứ tưởng không khí giảng đường sẽ nghiêm trang bởi tác phong quân sự hoá nhưng phòng học thi thoảng lại rộ lên tiếng cười vui vẻ. Nhiều cánh tay giơ lên. Thầy trò đang sôi nổi thảo luận về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam… Để sinh viên không còn sợ môn học “khó, khô, khổ” này và có sự hào hứng đó, những người thầy mang quân hàm nơi đây đã miệt mài đổi mới suốt 10 năm.

Thay “thầy đọc trò ghi” bằng sinh động, hấp dẫn

          Trở lại với buổi học, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Khoa Chính trị đang giảng cho dạy sinh viên về nội dung Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Không còn cách dạy “thầy đọc, trò ghi” mà buổi học bắt đầu từ một clip ngắn với những giai điệu hùng tráng, những hình ảnh xúc động về Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước khi nêu các luận điểm về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, thầy Hùng đã nêu vấn đề để sinh viên thảo luận, tự nêu quan điểm của mình. Những ý kiến của các em thật mộc mạc cứ thể bổ sung cho nhau. Cuối cùng, thầy giáo “chốt” lại bằng quan điểm rõ ràng, dễ nhớ. Khi được hỏi về cảm nhận của mình sau buổi học, sinh viên năm thứ ba Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Phương Thảo cùng nhiều bạn khác đều chung nhận xét: “Chúng em cũng cứ tưởng môn học này là khó và khô nhưng khi học lại rất nhẹ nhàng, hấp dẫn, thiết thực”. Thiết thực, bởi như Phương Thảo cho biết, các thầy đã biết hướng nội dung bài học vào những vấn đề có tính thời sự như: “Trên internet đang có nhiều lời kêu gọi sinh viên tụ tập biểu tình về vấn đề biển đảo? Cách ứng xử của sinh viên như thế nào?”. Hay như gần đây nhất, hàng nghìn sinh viên có dịp đến xem triển lãm "Võ Nguyên Giáp –Đại tướng, Tổng Tư lệnh, chân dung một huyền thoại” do chính Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh của Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức ngay trong khuôn viên nhà trường. Theo Lê Trần Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, một hình thức giáo dục thiết thực và hiệu quả cao là các buổi toạ đàm như tọa đàm về nhật ký chiến tranh có sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có tác dụng hơn “hàng nghìn bài diễn văn tuyên truyền” vì nó thu hút hơn 1.000 sinh viên một cách thấm thía, lâu bền. Chính bởi tác dụng trực tiếp của môn học, nhiều năm qua, không có sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bị lôi kéo, kích động tham gia hoạt động của các thế lực xấu.

          Tính thời sự trong từng bài giảng

          Theo Đại tá Đinh Văn Hưởng, Phó giám đốc Trung tâm, để mỗi bài giảng luôn có tính thời sự cao đòi hỏi mỗi giảng viên và cán bộ quản lý phải luôn biết tự "làm mới" các hoạt động của mình, đặc biệt là việc cập nhật và định hướng sinh viên tiếp cận với những vấn đề mới, vấn đề có tính thời sự. Sinh viên luôn khát khao cái mới, cái thực tiễn xã hội đang diễn ra nên cần gắn nội dung bài giảng với những vấn đề nóng của đất nước như tình hình biển đảo, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục…. Bên cạnh đó, việc tổ chức đào tạo chặt chẽ, khoa học, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và khai thác tối đa hiệu quả của các phương tiện dạy học hiện đại sẽ giúp cho việc truyền tải và lĩnh hội các nội dung học tập cho sinh viên đầy đủ và rễ ràng hơn. Một nét mới nữa là không quân sự hoá học đường, không mệnh lệnh hoá, các thầy luôn lắng nghe học trò, triệt để tiếp thu ý kiến hay từ sinh viên thông qua hoạt động lấy phiếu điều tra xã hội học và đối thoại với sinh viên.

Cùng với đó, Lãnh đạo Trung tâm luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Đến nay, Trung tâm đã biên soạn và xuất bản 05 tập giáo trình; 02 tập tài liệu tham khảo; đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn được 08 đầu sách giáo khoa, giáo trình Giáo dục Quốc phòng-An ninh cho học sinh Trung học phổ thông, sinh viên các trường Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; 08 đề tài nghiên cứu khoa học; 03 sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ học tập. 100% các bài giảng được thiết kế hiện đại, sinh động, giúp sinh viên dễ tiếp thu. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng không ngừng được đổi mới, đến nay đã thiết kế được hàng chục bộ đề thi với hàng nghìn câu hỏi thi trắc nghiệm được biên soạn công phu. Về phần dạy học thực hành, Trung tâm luôn cải tiến, đổi mới mô hình học cụ, để thuận tiện và phù hợp với điều kiện hiện có của Trung tâm.

Kết quả đào tạo cho thấy, sau khóa học, sinh viên không chỉ nắm vững những kiến thức về nội dung môn học mà còn chuyển biến tích cực về ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong trong học tập, sinh hoạt. Đây là điều được các đơn vị đào tạo thừa nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, “cái cốt lõi để tiến bộ không phải chỉ nghe lời khen, mà phải lắng nghe góp ý và những lời chê”, đây là điều chúng tôi phải tiếp tục quan tâm.

          Vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

          Nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển, ThS. Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm  cho biết: Ngày 02/3/2004, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ký Quyết định số 97/TCCB về việc thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng trên cơ sở sáp nhập Khoa Giáo dục Quốc phòng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (do Binh chủng Hoá học quản lý) và Khoa Giáo dục Quốc phòng của Trường Đại học Ngoại ngữ (do Trường Sĩ quan Lục quân 1 quản lý). Trong điều kiện chưa có cơ sở đào tạo riêng, phòng làm việc chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, hệ thống giảng đường phải khai thác sử dụng chung với các đơn vị đào tạo, sân bãi luyện tập vừa thiếu, vừa không phù hợp với thao trường huấn luyện quân sự…. Để có được kết quả như ngày hôm nay, theo ThS. Nguyễn Văn Lợi: 10 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của các đơn vị hữu quan, các thế hệ cán bộ, viên chức, sĩ quan biệt phái của Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu vượt lên chính mình, khắc phục mọi khó khăn so với các Trung tâm khác trong hệ thống các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh của cả nước để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy cho hơn 90.000 lượt sinh viên đạt chất lượng chuẩn đầu ra của môn học. Trung tâm đã 2 lần tham dự Hội thi giảng viên giảng dạy giỏi môn học Giáo dục Quốc phòng-An ninh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 100% giảng viên tham dự Hội thi đều đạt Danh hiệu giảng viên giảng dạy giỏi, 02 giảng viên xếp loại suất xắc, trong đó có 01 giảng viên xếp thứ nhất Hội thi.

Các hoạt động của Trung tâm luôn được thực hiện nền nếp, hiệu quả, Chi bộ nhiều năm liền được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Công đoàn nhiều năm được tặng Bằng khen của Công đoàn ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá của Hội đồng Giáo dục Quốc phòng Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Giáo dục Quốc phòng và An ninh Quốc hội (khóa XIII) cho thấy, trong những năm qua, Trung tâm luôn là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh sinh viên của cả nước về thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Quốc phòng-An ninh cho sinh viên. Với những thành tích đó, Trung tâm nhiều lần được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2013, Trung tâm vinh dự được được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.

Định hướng phát triển

Là đơn vị trực thuộc của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước, Trung tâm đã và đang sát cánh với các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thắng lợi Nghị quyết và Kết luận Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa XI) và Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ IV. Mong muốn có được một cơ sở đào tạo riêng để quản lý, giáo dục và rèn luyện sinh viên theo hướng chính quy, tập trung 24/24 giờ, đáp ứng được mục tiêu môn học đã trở thành hiện thực. Ngày 24/ 7/2012 Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 2454/QĐ-XD về việc giao cho Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh làm chủ dự án “quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất tại ký túc xá số 4 Hòa Lạc vào nhiệm vụ giảng dạy giáo dục quốc phòng-an ninh cho sinh viên”. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiếp tục khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình trong hệ thống các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh sinh viên của cả nước.

Cùng với việc đầu tư đổi mới về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm chủ động và đột phá trong phát triển đội ngũ cán bộ, đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quyết định để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả mọi hoạt động của Trung tâm trong những năm tiếp theo. Với lộ trình phấn đấu, đến năm 2015, Trung tâm có ít nhất 50% giảng viên và cán bộ quản lý có học vị Thạc sĩ, 5% học vị Tiến sĩ. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá sẽ được Trung tâm đặc biệt chú trọng. 

Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò nòng cột và tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, không có lý do gì để những người thầy mang áo lính của Trung tâm không phấn đấu để thật sự là những người lính đi đầu trên mặt trận giáo dục quốc phòng-an ninh.

Phòng Hành chính-Tổ chức

Sắp diễn ra

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

VNU-National Defense and SecurityTraining Center

Địa chỉ: Thôn 3, xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Điện thoại: (84) 024 3558 9544
Website: qpan.vnu.edu.vn
Motor de cautare pentru boli